Di sản Marcus_Aurelius

Marcus Aurelius là một trong những bậc minh quân thánh chúa trong lịch sử,[81][82] là một trong những danh nhân lỗi lạc nhất trong thời kỳ cổ đại. Thật là khó tìm ra những người chỉ trích ông. Có tác giả còn gọi ông là "Đức Phật của La Mã".[83] Với tác phẩm "Suy tưởng", ông thể hiện rõ tài năng của một nhà triết học. Nhà sử học Edward Gibbon đã tỏ lòng kính trọng vị Hoàng đế "nghiêm khắc với chính mình, khoan dung cho lầm lỗi của người khác, công minh và hòa hợp với toàn thể nhân loại" (1783). 80 năm sau khi Gibbon, Matthew Arnold - được truyền cảm qua việc đọc phiên bản Anh ngữ mới của "Suy tưởng", đã cho rằng: "Thật không thể nào không hiểu biết về Marcus Aurelius".[84] Lúc sinh thời, ông đã được tôn vinh là một vị vua - hiền triết, và sau khi ông mất ngoại hiệu này vẫn còn trường tồn vĩnh cửu theo thời gian; cả Cassius Dio và nhà tiểu sử học viết về ông đều gọi ông là "nhà triết học".[85] Không những thế, các Ki-tô hữu như Thánh Justinus Người tử đạo, Athenagoras, Melito cũng đặt cho ông ngoại hiệu này luôn.[86] Nhà tiểu sử học này còn đi xa đến mức ca ngợi Marcus Aurelius "nhân đạo và am tường triết hoc" hơn các tiên đế Pius và Hadrian, và đặt ông trái ngược hòa toàn với các vị Hoàng đế tàn bạo như Domitian và Nero.[87] Nhà sử học Herodtian có viết:[88]

Trong các vị Hoàng đế, ông là người duy nhất đưa ra bằng chứng về kiến thức thâm sâu của mình không chỉ qua những lời nói hoặc hiểu biết đơn thuần về triết lý, nhưng còn bởi nhân cách không chê vào đâu được cũng như lối sống giản dị của ông.
— Herodian

Đại văn hào người AnhShakespeare khen Marcus Aurelius là "người La Mã cao quý hơn cả". Theo lời bàn của Hoàng đế Pescennicus Niger (135 - 194), Marcus Aurelius cùng với Antoninus Pius và Traianus là ba vị Hoàng đế xuất sắc nhất của La Mã cổ đại. Người ta kể rằng Hoàng đế Diocletianus (244 - 311) đã tỏ lòng thành kính tiên đế Marcus Aurelius.[89] Vào thế kỷ thứ XVI, nhà văn Tây Ban Nha Antonio de Guevara có viết cuốn tiểu thuyết giáo dục "Reloj de Príncipes" mà Marcus Aurelius là nhân vật nam chính (1529). Cuốn sách được dịch sang Anh ngữ vào năm 1531.[90] Nhà chính trị và bình luận cánh tả cấp tiến Hoa Kỳ Pat Buchanan nổi tiếng là từng tố cáo Tổng thống George W. Bush "không phải vua Marcus Aurelius".[91] Nhà sử học người Pháp Ernest Renan cho rằng trong lịch sử chỉ có hai ví dụ tiêu biểu hơn cả về việc một loạt các ông vua xuất sắc nối ngôi nhau: đó là một loại các triều đại anh quân Babur, HumayunAkbarẤn Độ, cùng với hai triều đại minh quân Antoninus Pius cùng Marcus Aurelius ở Đế quốc La Mã vô cùng rộng lớn. Theo Ernest Renan, Marcus Aurelius có những điểm giống với minh quân Akbar của Ấn Độ. Chính nền quân chủ truyền hiền từ thời vua Nerva đã mang lại cho La Mã một loạt các đại minh quân như Marcus Aurelius là một điển hành.[92]

Hoàng đế Julianus (332 - 363), khi viết về các đời Hoàng đế trong lịch sử La Mã cổ, đã hoàn toàn công nhận Marcus Aurelius là một bậc đại minh quân lần đầu tiên. Julianus cho rằng chỉ có mỗi Alexandros Đại Đế là ngang hàng với Marcus Aurelius trong chính sử từ xưa đến nay, và ca ngợi ông vì sự bền chí ngang với thần linh, vì sự am hiểu sâu sắc của ông về lúc nào nói, lúc nào im, và ông còn có tài truyền cảm triết lý đến mức "đưa người khác trở thành chư thần". "Bộc trực và không có khuyết điểm nào" (theo Julianus), Hoàng đế Marcus Aurelius không những trở thành một bậc đại anh quân đánh phục hơn hẳn các vị vua khác, nhưng còn hiền đức hơn họ hẳn. Vị đại minh quân Julianus đã tôn vinh Marcus Aurelius hơn hẳn mọi ông hoàng bà chúa khác, và kể rằng đôi mắt và nếp nhăn trên trán của ông bộc lộ rõ hiệu lực của những công trình nghiên cứu lâu dài mà ông đã lao đầu vào. Ông chỉ có ba vết nhơ là nuông chiều Hoàng hậu Faustina, Hoàng tử Commodus và đồng Hoàng đế Lucius Verus - nhưng điều đó thể hiện nhân tính của ông, và sự cưng chiều con cái của ông có thể được phân tích như một lỗi lầm nhân văn và thánh thiện, mà chính nhà thi hào Homer đã thừa nhận. Thật không hề khó hiểu tại sao Julianus lại ngưỡng mộ Marcus Aurelius đến như vậy. Giống như vị tiên đế nhiều thế hệ trước – Marcus Aurelius, Julianus cũng phải xông pha trên hai mặt trận, và cũng luôn phải đối phó với các man tộc ở phương Bắc. Nói chung, hai vị hiền đế này phải nói là vô cùng giống nhau. Trong khi các bậc cố nhân Julius Caesar, Augustus và Traianus[89] là những vị anh hùng thượng võ thì Marcus Aurelius lại là một ông vua - hiền triết hiếu hòa.[93]

Quốc vương Friedrich II Đại Đế (1712 - 1786) - một bậc đại anh quân trong lịch sử nước Phổ - đã lấy Hoàng đế Marcus Aurelius làm tấm gương sáng để mà noi theo.[94] Friedrich II Đại Đế ngưỡng mộ vị Hoàng đế vì ông không chỉ là một nhà chỉ huy quân sự đại tài mà còn là một nhà triết học, đã phê phán sự phù phiếm của người đời.[21] Friedrich II Đại Đế không những noi theo tấm gương ngời sáng của Marcus Aurelius mà còn quy tụ các nhà hiền triết lỗi lạc của thời đại về cung đình Potsdam, do đó sự anh minh của nhà vua nước Phổ cũng khiến cho đại văn hào nước Pháp Voltaire, cũng so sánh ông với bậc đại minh quân Marcus Aurelius năm xưa.[95][96] Khi thân chinh đốc xuất binh mã đi chinh phạt mở cõi, nhà vua thường trích dẫn những câu nói của vị vua - hiền triết La Mã xưa để biện hộ cho "Cuộc chiến tranh chính nghĩa".[97] Song, tuy Marcus Aurelius đã thân chinh đánh những trận kịch chiến, vị vua - hiền triết nước Phổ ngưỡng mộ ông hơn hết vì ông là một nhà triết học khắc kỷ chứ không phải là một thống soái ba quân. Nhất là khi Quốc vương Friedrich II Đại Đế phải liên tục thân chinh đánh cường địch trong cuộc Chiến tranh Bảy Năm (1756 - 1763), cứ mỗi lúc bại trận ông thường cảm thấy hứng khởi hơn nhờ vào triết học khắc kỷ của vị Hoàng đế La Mã năm xưa, để hồi phục lại với ý chí quyết đấu tranh tới cùng.[98] Trong thời bình, ông mong muốn được làm một minh quân thâm sâu triết lý giống như tiền bối Marcus Aurelius.[99] Trong thư viện của ông tại điện Vô Ưu ở kinh thành Potsdam, nhà vua có tạc một bức tượng nhỏ Marcus Aurelius[100] - vị Hoàng đế gắn bó với triết học.[101] Đồng thời đại với ông, tại Tòa Thánh La Mã Giáo hoàng Biển Đức (1676 - 1758), do am hiểu văn chương sâu sắc, cũng được coi là một vị vua - hiền triết giống như Marcus Aurelius năm xưa.[102]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Marcus_Aurelius http://www.amazon.com/Marcus-Aurelius-Biography-Im... http://www.amazon.com/Marcus-Aurelius-Life-Frank-M... http://www.sacred-texts.com/cla/luc/wl2/wl210.htm http://www.sacred-texts.com/cla/luc/wl3/wl303.htm http://www.sacred-texts.com/cla/luc/wl3/wl304.htm http://www.strandbooks.com/greek-roman/marcus-aure... http://www.theoi.com/Text/Pausanias1A.html http://compute-in.ku-eichstaett.de:8888/pls/epigr/... http://compute-in.ku-eichstaett.de:8888/pls/epigr/... http://www.perseus.tufts.edu/cgi-bin/ptext?lookup=...